Câu chuyện về hạt Ý Dĩ:

Ý dĩ là vị thuốc rất thông dụng trong Đông y. Khi đề cập tới vị thuốc này, nhiều người thường nghĩ rằng đó là vị thuốc Bắc, nghĩa là bắt nguồn từ Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, Ý dĩ lại là một vị thuốc được phát hiện từ kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian của người Việt thời xưa.
Sách "Hậu Hán thư. Mã Viện liệt truyện" có ghi lại sự việc:
Vào thời Đông Hán, danh tướng Mã Viện, hiệu là Phục Ba tướng quân, từng phụng mệnh vua Quang Vũ Đế Lưu Tú nhà Hán, thống lĩnh quân đội đi viễn chinh Giao Chỉ (tức miền Bắc Việt Nam ngày nay).
Khi đó đang là mùa trưởng hạ (cuối hè), thời tiết ở Giao Chỉ vô cùng nóng bức và ẩm thấp. Do không quen thủy thổ, quân sĩ bị mắc một thứ "bệnh chướng khí" cực kỳ quái lạ: Đầu tiên chân tay bị tê, đau, trong đó có rất nhiều trường hợp hai chân bị phù. Sau đó toàn thân bị phù nề, kèm theo khó thở, nôn mửa, tiêu chảy, ... Thậm chí, rất nhiều binh sĩ bị suy kiệt và chết.
Mã Viện bèn phái người đi tìm hiểu kinh nghiệm chữa bệnh của dân ở địa phương. Cuối cùng đã tìm được một phương thuốc dân gian đơn giản mà rất hiệu nghiệm: Chỉ cần dùng một thứ hạt sẵn có ở địa phương, đem nấu cháo hoặc nấu cơm ăn là có thể chữa khỏi căn bệnh chướng khí quái lạ. Để phòng bệnh tái phát, Mã Viện hạ lệnh tiếp tục sử dụng Ý dĩ làm lương thực vì cho rằng thứ hạt này sẽ phòng ngừa được bệnh.
Khi về nước, Mã Viện đã chở theo một xe đầy toàn hạt Ý dĩ để đem về trồng. Một số gian thần trong triều khi đó đã đố kỵ, bịa chuyện vu khống, tâu lên Quang Vũ Đế rằng Mã Viện đã mang về làm của riêng cả một xe đầy "minh chu văn tê", tức ngọc quý và sừng tê giác. Gọi là "minh chu" vì hạt Ý dĩ cũng trắng tròn giống như viên ngọc, còn "văn tê" là thứ sừng tê giác có vân, thuộc loại tốt nhất. Giao Chỉ thời đó là nguồn cung cấp trân châu và sừng tê giác chủ yếu cho nhà Hán. Để minh oan, Mã Viện bèn đổ cả xe Ý dĩ xuống sông Ly Giang ở Quế Lâm.
Về sau, dân quanh vùng gọi trái núi ở bên khúc sông đó là núi Phục Ba. Trong núi Phục Ba còn có một động lớn, có thể chứa tới hàng trăm người, được mệnh danh là "Hang trả ngọc" (Hoàn châu động). Trong động còn có một cây thạch nhũ lớn rủ xuống, cách mặt đất có vài thốn. Truyền thuyết gọi đó là "Trụ thử kiếm" (Thí kiếm thạch) của Mã Viện. Ngày nay, trái núi Phục Ba đã trở thành một điểm du lịch, thắng cảnh nổi tiếng ở Quế Lâm, có tên là "Thắng cảnh Phục Ba" ...
Theo Đông y: Ý dĩ có vị ngọt nhạt (cam, đạm), tính mát (lương); vào 3 kinh Tỳ, Phế và Thận; có tác dụng kiện tỳ (xúc tiến chức năng tiêu hóa), bổ phế (bổ tạng phế), thanh nhiệt, lợi thấp, trị phù nề, tiêu chảy, tiểu ít, viêm phổi, áp-xe phổi (viêm khô), viêm khớp, huyết trắng, tiểu đục.

Ý dĩ có tác dụng chữa trị và phòng ngừa cước khí là vì hàm lượng vitamin B1 trong Ý dĩ rất cao (trong 100g Ý dĩ có chứa tới 33mg vitamin B1).
Ý dĩ còn là loại lương thực có giá trị dinh dưỡng cao, thường được sử dụng để bồi dưỡng cho người cao tuổi, trẻ nhỏ bị suy nhược và phụ nữ sau sinh. Hàm lượng chất đạm (protein) trong Ý dĩ (13 -14%), trong đó có các axit amin như lencine, lysine, arginine, tyrosine ...

Hạt ý dĩ hiện tại Vinnate đang sử dụng trong gói canh sâm hầm và gói cháo sâm có xuất xứ từ vùng cao nguyên đá Hà Giang, nơi bà con còn đang canh tác hoàn toàn tự nhiên, chúng tôi lựa chọn nơi đây với mong muốn đồng hành với các loại nông sản, thảo mộc Việt Nam trên con đường cùng phát triển, giữ gìn đặc sản đặc trưng bản địa nước Việt.

