Thông thường từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, sau khi bà con cấy lúa xong và cũng là giai đoạn chuẩn bị của mùa mưa, những mảnh rẫy được tập trung cày cuốc theo phương pháp thủ công, sau đó ngay lập tức những củ Hồng Đẳng Sâm giống được gieo xuống. Vẫn có những trường hợp trồng vào các thời điểm khác từ tháng 5 đến tháng 12 phụ thuộc vào thời điểm bà con thu hoạch, do công việc gia đình hay do tại những mảnh rẫy đã trồng xuống sâm giống bị chết nhiều bà con phải trồng dặm xen vào tại những vị trí đó. Nhưng do đặc tính cách trồng phụ thuốc rất nhiều vào thiên nhiên, nên thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 vẫn được ưu tiên nhiều nhất do chuẩn bị để đón mùa mưa, thời điểm này trong đất cũng chưa hoặc có rất ít con sùng đất (sâu đất – loài này sẽ cắn đầu hoặc đuôi của củ sâm giống, khiến củ sâm giống bị thối mà chết đi). Đồng thời thời điểm này lâu lâu sẽ xuất hiện những cơn mưa ngắn bất chợt giúp đất trở lên ẩm hơn, khiến sự phát triển của củ sâm ở trong điều kiện thuận lợi hơn là vào thời điểm giữa mùa khô từ tháng 12-tháng 2 trời quá nắng, đất quá khô cằn hay thời điểm tháng 7-8-9 giữa mùa mưa đất lại quá ẩm ướt.


Khoảng từ tháng 7 đến tháng 10, trên những rẫy trồng Hồng Đẳng sâm sẽ chỉ ngập tràn một màu xanh của lá Hồng Đẳng Sâm, một màu xanh non mơn mởn nối tiếp cùng với sự toả ra, ngày một dài hơn của các nhánh trên đầu cọng của củ sâm. Và chính những nhánh này sau này sẽ đẻ ra những củ sâm con mới mà đến thời điểm thu hoạch bà con sẽ để lại trên đất, chỉ thu hoạch những củ sâm đã đủ độ lớn. Vào tháng 9 trở đi, cũng đã bắt đầu xuất hiện những bông hoa Hồng Đẳng Sâm, màu trắng hơi pha chút xanh với những đường gân tím bên trong – một nét đặc trưng cho loài Hồng Đẳng sâm của bản địa. Trong thời điểm củ sâm phát triển, thì một năm sẽ có 3-4 lần bà con lên rẫy để làm cỏ, những bụi cỏ nằm đan xen trong rẫy trồng sâm, không thể dùng rựa để phát được mà buộc phải nhổ bằng tay để hạn chế việc ảnh hưởng đến sự phát triển của củ sâm.
Tháng 11-12, thời điểm cuối năm, lá cũng đã rụng nhiều, những bông hoa Hồng Đẳng Sâm dần được thay thế bằng quả - màu tím với vô số hạt nằm bên trong. Tại nhiều nơi bà con sẽ thu hoạch quả về để ươm giống, nhưng tại Ngọc Linh thì rất ít, bà con đang giữ thói quen sử dụng sâm con mọc ra từ cây mẹ để làm giống cho mùa sau.
Thời điểm thường từ giữa tháng 12 trở đi, lá Hồng Đẳng Sâm đã rụng hết, mặt đất chỉ còn những dây cọng khô nằm đan xen nhau.
Và rồi, cuối tháng 2, đầu tháng 3, mầm non bắt đầu mọc trở lại, báo hiệu cho sự tiếp tục lớn lên của củ sâm, cùng sự tích luỹ các dưỡng chất vô cùng quý giá đến từ thiên nhiên của Ngọc Linh.

Với những rẫy đã bà con thu hoạch, nếu để những củ sâm giống lại rẫy không làm lại đất, thì củ sâm sẽ phát triển cực kỳ chậm. Vậy nên thông thường, sau khi thu hoạch 1-2 tháng, khi bà con đã giải quyết hết công việc của gia đình, cũng là lúc những củ sâm giống được nhổ lên, ủ vào trong đất hơi ẩm một chút hoặc cho vào trong chậu ngập nước ở trên rẫy để giữ cho củ sâm duy trì được sự sống. Sau đó, cả gia đình sẽ tranh thủ tập trung cuốc lại đất để đất trở lên tơi xốp hơn, rồi đưa ngay những củ sâm giống vào cắm lại. Một vụ sâm mới lại bắt đầu.